Friday 1 June 2012

Tranh dân gian - Tranh dân gian Việt Nam

Nghệ thuật tranh Việt và Thời điểm xuất hện tranh dân gian Việt Nam

Những bức tranh dân gian của trẻ em Lạc Việt mua về dán đầy tường chơi trong những ngày Tết có màu sắc sặc sỡ vui mắt, hình ảnh và nội dung trực tiếp của những bức tranh dân gian Việt Nam mang tính giáo dục những giá trị nhân bản, đạo lí và khuyến khích vươn tới những mục đích của con người trong xã hội đương thời: lễ trí, nhân nghĩa, phú quí, vinh hoa; hoặc tính vui sống trong lao động và sự yên bình. Nhưng hàm nghĩa sâu xa của những bức tranh dân gian Việt Nam lại mang đầy tính minh triết của văn hoá Đông phương về những ước mơ thánh thiện của con người. Từ đời này qua đời khác, trải bao thăng trầm của lịch sử, tranh dân gian Việt Nam còn được lưu truyền tới tận ngày nay. Nhưng tranh dân gian Việt Nam bắt đầu có từ bao giờ? Về vấn đề này, hầu hết những ý kiến đều cho rằng: Tranh dân gian Việt nam xuất hiện vào thế kỷ XIV hoặc XV, đồng thời với thời điểm xuất hiện làng tranh Đông Hồ. Cũng có ý kiến cho rằng tranh dân gian xuất hiện sớm hơn: vào khoảng thế kỷ XI. Người viết cho rằng tất cả những ý kiến trên đều thiếu tính hợp lý. Bởi vì, với tất cả các nền văn minh trên trái đất – ngay từ thời đồ đá, khi con người chưa có chữ viết – họ đều dùng hình vẽ để thể hiện những nhận thức của mình với môi trường. Do đó, dân tộc Việt Nam, dù cho ở ngay thời đại đồ đồng, ít nhất cũng thể hiện được những bức tranh vẽ của mình. Huống chi, trên thực tế ngay từ thời Hùng Vương, một thời đại phát triển về mọi mặt – cho dù với cách nhìn cực đoan nhất thì cũng đã bước vào thời đại đồ đồng – nên không thể không tồn tại những tranh vẽ. Không thể có một xã hội phát triển nào lại không tồn tại tính mĩ thuật của xã hội đó. Tính mĩ thuật là một giá trị nhân văn, tồn tại và phát triển theo lịch sử một dân tộc là một sự tất yếu có tính quy luật, để bảo đảm sự phát triển hài hòa và cân đối cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc đó. Trong kiến thức hạn hẹp của mình, người viết chưa thấy trong lịch sử có một xã hội nào phát triển về mọi phương diện, nhưng lại hoàn toàn không có tính mĩ thuật trong thơ ca, hội họa, âm nhạc… Vấn đề còn lại là người ta có tìm thấy những di sản còn lại của nó qua những thăng trầm của lịch sử hay không mà thôi. Bởi vậy, nếu cho rằng trước thời Việt Nam hưng quốc (thế kỉ X), người Việt không có tranh là điều phi lí. Như vậy, dân tộc Việt Nam phải có tranh vẽ của mình, phản ánh cái nhìn cái nghĩ của dân tộc Việt từ rất lâu trong cổ sử. Người viết xin được trình bày sự minh chứng của mình như sau:

Nếu sắp xếp những bức tranh dân gian Việt Nam theo trình tự từ nội dung phản ánh tính triết học của nền văn minh cổ Đông phương, cho đến những tranh dân gian phản ánh quan niệm sống của người Lạc Việt và đến những tranh về đề tài lịch sử gần đây. Chúng ta sẽ nhận ra ngay những phương pháp thể hiện rất khác nhau. Dưới đây là những bức tranh dân gian được thực hiện vào thời hiện đại:

Phụ nữ đảm đang
Tranh: Nguyễn Đăng Chế

Chiến thắng mùa xuân
Tranh: Phạm Văn Đôn

So sánh những bức tranh trên với những tranh lịch sử sau:

Phù Đổng Thiên Vương
Tranh nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam

Hai Bà Trưng
Tranh nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam

Ngô Quyền
Tranh nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế)

Qua sự so sánh trên thì tranh của các nghệ sĩ hiện đại mặc dù bút pháp sắc sảo, nhưng về phương pháp thể hiện không khác những bức tranh dân gian được trình bày trong phần này. Chúng có tính minh họa cho một sự kiện lịch sử hoặc những vấn đề xã hội. Nội dung những bức tranh này nhắc nhở cho thế hệ sau những sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ của dân tộc và ca ngợi chiến công của ông cha chống ngoại xâm. Những bức tranh này so với Đinh Tiên Hoàng đã rất khác về phương pháp thể hiện. Nếu so với hai bức tranh thể hiện Hai Bà Trưng; Bà Triệu ở trên, lại có một khoảng cách lớn về phương pháp thể hiện. Do đó, người viết cho rằng về niên đại xuất hiện những bức tranh mang tính minh họa phải rất muộn sau những bức tranh Bà Trưng, Bà Triệu ở trên. Những bức tranh càng về sau nặng về tính minh họa sự kiện. Còn những bức tranh trên như: Bà Trưng, Bà Triệu rất có chiều sâu về nội dung. Có thể nói là đã lột tả được cái thần của con người và sự kiện. Chính những phương pháp và phong cách thể hiện khác nhau này, cùng nội dung triết học của nó,đã chứng tỏ một thời kì lịch sử rất dài của tranh dân gian Việt Nam trải hàng thiên niên kỉ.

Căn cứ vào nội dung những bức tranh dân gian Việt Nam đã được trình bày trong sách này; người viết cho rằng nó đã có nguồn gốc từ thời rất xa xưa. Có thể đã xuất hiện vào khoảng đầu thời Hùng Vương thứ XVIII hoặc trước đó. Bởi vì trong tranh dân gian Việt Nam có những nội dung mang tính minh triết về cội nguồn văn hóa Đông phương, khác hẳn những gì mà cổ thư chữ Hán đã thể hiện. Điều này đã chứng tỏ nó không thể xuất hiện sau thời Hán và tất nhiên không thể gọi là ảnh hưởng văn hóa Hán. Đương nhiên, người Lạc Việt phải làm ra giấy từ thời kỉ này. Đây cũng là một điều kiện tiên quyết để khẳng định sự ra đời của những bức tranh dân gian Việt Nam. Người ta không thể lưu truyền ý tưởng về hình tượng cho những bức tranh vẽ trên giấy qua hàng thiên niên kỉ, nếu giấy không thực sự tồn tại làm cơ sở thể hiện những ý tưởng đó. Cũng có thể cho rằng: hình tượng những bức tranh này được vẽ trên vải và được lưu truyền, sau đó người Việt mới chuyển sang vẽ trên giấy. Nhưng người viết cho rằng ý kiến lưu truyền ý tưởng thể hiện nội dung tranh dân gian lưu truyền qua vải là không thực tế, vì lối vẽ trên vải khác hẳn phương pháp thực hiện những bức tranh này trên giấy dó như hiện nay: thực hiện in bằng ván khắc. Một hình ảnh sinh động minh họa cho ý tưởng này và cũng là cơ sở ban đầu cho ý tưởng trên, chính là hình vẽ trên trống đồng được trình bày với bạn đọc sau đây:


Cả hai hình trên trong các sách nghiên cứu, đều gom chung một nhận xét là hình người giã gạo. Nhưng có thể khẳng định rằng: động tác giã cối vẽ trên trống đồng cũng là động tác giã bột dó làm giấy của người Lạc Việt để làm ra những tờ giấy dó nổi tiếng. Hai hình này tuy giống nhau về động tác thể hiện, nhưng lại rất khác về hình tượng liên quan. Ở hình 1, bạn đọc sẽ thấy hình đôi chim mỏ ngắn đang bay trên đầu gậy. Đây là loài chim có thể ăn hạt. Do đó, hình này có thể kết luận là hình giã gạo. Còn ở hình 2, trên đầu gậy được minh họa bằng hai hình chữ nhật. Kết hợp với nội dung những bức tranh dân gian đã trình bày, hoàn toàn không thể có sau văn hóa Hán, thì hình giã cối trên trống đồng có hình chữ nhật trên đầu gậy, có thể khẳng định đó là biểu tượng của nghề làm giấy đã có từ thời Hùng Vương. Việc làm ra giấy từ thời Hùng Vương, chính là điều kiện tiên quyết để tồn tại những bức tranh dân gian Việt Nam, khi nội dung của nó đã chứng tỏ nó phải ra đời từ rất lâu trong lịch sử văn hóa Đông phương.

No comments:

Post a Comment