Friday, 22 June 2012

Bộ tranh đá quý "Dòng máu lạc hồng"

tranh-da-quy-ho-chi-minh “Dòng máu Lạc hồng” là tên gọi của một bộ tranh đá quý được làm từ đá quý có ý nghĩa lịch sử và nhân văn cho chúng ta cảm nhận một cách sống động về nền văn hiến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội…
Bộ tranh có 5 bức gồm: Bức Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (kích thước 0,97m x 1,2m), 4 bức còn lại là Vịnh Hạ Long, Hồ Gươm, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột đều có kích thước 2,6m x 1,8m được làm từ hơn 10 loại đá quý khác nhau như: Ruby, Sapphire, Spinel… Khung tranh đá quý được trạm khắc thủ công tinh xảo, tỉ mỉ bằng gỗ quý theo tứ linh: Long - Ly - Quy - Phụng. Sự kết hợp tinh tế giữa hoa văn của khung và bố cục tranh tạo nên bộ tranh đá quý mang nét riêng biệt và ý nghĩa cả về chính trị, nghệ thuật, đời sống tinh thần… 
 Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn cả là bộ tranh đá quý này được hoàn thành bởi 6 em khuyết tật thuộc lớp học nghề tại công ty TNHH Hồng Hà Yên Bái dưới sự hướng dẫn của một cô gái sinh năm 1975 có tên là Hoàng Thị Thủy.
tranh-da-quy-chua-mot-cot




Hoàng Thị Thủy sinh ra và lớn lên tại Yên Bái, năm 2009 Thủy theo chồng về Vĩnh Phúc với nghề giáo viên và nghề thủ công của quê hương Yên Bái là làm tranh đá quý và khung tranh ảnh. Tại đây Thủy đã tạo dựng một công ty nhỏ tranh thủ thời gian sau giờ lên lớp để truyền nghề thiết kế hoàn thiện tranh đá quý, nghề khung tranh ảnh cho các em nạn nhân chất độc da cam, khuyết tật, giúp các em vơi đi mặc cảm về bản thân, hòa nhập với cộng đồng và có cuộc sống ổn định tại công ty.
Hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủy đã trăn trở với nhiều ý tưởng và cuối cùng quyết định cùng các em khuyết tật trong công ty thiết kế và hoàn thiện bộ tranh “Dòng máu Lạc hồng” với ý nghĩa như là một cuốn tiểu thuyết bằng hình ảnh miêu tả cảnh vật, con người, lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước và truyền thống văn hóa Việt Nam. Giải thích về lý do đặt tên bộ tranh là “Dòng máu Lạc hồng” Thủy chia sẻ: với sự đóng góp công sức của 6 cháu là nạn nhân chất dộc da cam và khuyết tật đang học nghề tại công ty, tôi mong muốn dòng máu của dân tộc mãi mãi chảy trong những đứa con dù có tật nguyền vẫn cố gắng vươn lên sống có ích cho xã hội…
tranh-da-quy-van-mieu-quoc-tu-giam

tranh-da-quy-hon-trong-mai

Thủy cho biết: “Mỗi bức có bố cục chặt chẽ, có ý nghĩa độc lập tương đối, có giá trị nghệ thuật riêng. Năm bức bố trí liền kề nhau sẽ là một bản tổng phổ nghệ thuật về phong cảnh, lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Bức chân dung Hồ Chí Minh toát lên tài năng, đức độ của Người - vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, bức Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới tượng trưng cho non nước Việt Nam, bức Hồ Gươm biểu tượng của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, bức Văn Miếu Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của dân tộc Việt Nam, với hồ Bình Văn và Khuê Văn Các đã trở thành biểu trưng của Thủ đô Hà Nội, bức Chùa Một cột là biểu trưng sự kết hợp hài hòa giữa Đạo và Đời của người dân Việt Nam hàng trăm năm nay…”.


Với tinh hoa của các loại đá quý và dưới bàn tay khéo léo, tinh thần lao động cần cù của nghệ nhân và các em, bộ tranh đá quý “Dòng máu Lạc hồng” cho người xem cảm nhận sống động về nền văn hiến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Không chỉ mang ý nghĩa về mặt tinh thần, vừa qua thay mặt cho Công ty Hồng Hà Yên Bái, Thủy đã trao tặng bộ tranh đá quý này cho Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam để trưng bày trong dịp Đại lễ và sau đó sẽ vận động các nhà hảo tâm trong cộng đồng mua để hỗ trợ thêm kinh phí góp phần giúp đỡ được nhiều hơn nữa những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cộng đồng.  

No comments:

Post a Comment