Friday, 1 June 2012

Nghệ thuật tranh Việt và sự phát triển


Cùng quan điểm với Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Man Nhiên cũng cho rằng tranh dân gian Việt Nam có lịch sử rất lâu đời. Với hai thể loại chính là tranh Tết và tranh thờ, tranh dân gian xuất hiện rất sớm gần như cùng lúc với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt và việc thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên.

Vào thời nhà Lí (thế kỉ XII) nghệ thuật tranh Việt đã bắt đầu xuất hiện những gia đình hay thậm chí là cả một làng chuyên làm nghề khắc ván, in tranh. Việc xuất hiện tiền giấy vào cuối đời nhà Trần và sang đời nhà Hồ chính là một minh chứng cho sự tồn tại của nghề in mộc bản.

Tới thời Lê sơ, việc in khắc tranh đã tiếp thu thêm kĩ thuật khắc ván in của Trung Quốc và được cải tiến thêm cho phù hợp. Đến đời nhà Mạc (thế kỷ XVI), tranh dân gian không còn là sản phẩm riêng của những người nông dân nghèo khó nữa mà đã được cả tầng lớp quí tộc ở kinh thành Thăng Long ưa chuộng, thường sử dụng vào dịp Tết Nguyên Đán. Hoàng Sĩ Khải (người Kinh Bắc, đỗ tiến sĩ năm 1554, làm quan đến chức Thượng thư kiêm tế tửu Quốc tử giám triều Mạc) đã viết một bài thơ Nôm dài 336 câu có tên “Tứ thời khúc vịnh” diễn tả cảnh đổi thay bốn mùa, trong đó có câu: “Tranh vẽ gà cửa treo thiếp yểm” cho ta thấy dân gian đương thời đã có thú chơi tranh và treo tranh.

Sang thế kỷ XVIII - XIX, tranh dân gian đã dần đi vào giai đoạn ổn định và phát triển mạnh mẽ. Nghề làm tranh được lan truyền, phổ biến rộng rãi đến nhiều địa phương để từ đó thêm những dòng tranh mới xuất hiện, được gọi tên theo địa danh nơi sản xuất và có phong cách riêng của mình. Nét riêng của mỗi dòng tranh thể hiện ngay từ qui trình làm tranh cũng như trong mỗi đường nét của tranh. Đó là sự khác biệt giữa kĩ thuật khắc ván in, kĩ thuật vẽ, nguyên liệu làm tranh, cách pha chế tạo màu sắc riêng...

No comments:

Post a Comment